Tỉnh Ninh Thuận muốn thu hút thêm nhà đầu tư từ Đồng Nai và khu vực phía Nam đầu tư hạ tầng, năng lượng, du lịch… tại địa phương.

Ngày 18/10, tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư với sự tham gia của 100 doanh nghiệp lớn tại tỉnh Đồng Nai và khu vực phía Nam.

Đây là bước đầu gặp gỡ, kết nối, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, hạ tầng, du lịch, logistics…

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận mong muốn thu hút các doanh nghiệp tại Đồng Nai đến đầu tư tại Ninh Thuận.

Tại hội nghị, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, địa phương có vị trí chiến lược quan trọng với điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển kinh tế.

Sau khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo – Cam Lâm được thông xe, thời gian di chuyển từ Đồng Nai về Ninh Thuận được rút ngắn, chỉ hơn bốn giờ đồng hồ. Vì vậy rất thuận lợi cho người dân Đồng Nai về Ninh Thuận du lịch biển và doanh nghiệp về đầu tư.

Ninh Thuận có cảng biển nước sâu Cà Ná, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 300.000 tấn. Cùng với đó bờ biển dài 105km và các danh thắng như vịnh Vĩnh Hy, khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa cũng mở ra tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế biển, năng lượng tái tạo.

Ninh Thuận có lợi thế về vị trí gần các trục giao thông huyết mạch, có lợi thế về biển.

Ninh Thuận là nơi đi qua của các tuyến giao thông huyết mạch gồm quốc lộ 1, cao tốc Bắc -Nam phía Đông, đường sắt Bắc – Nam và quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên. Tương lai là sân bay Thành Sơn, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam…

Đặc biệt, khu công nghiệp Cà Ná với quy mô 827ha đang chờ phê duyệt từ Thủ tướng Chính phủ, hứa hẹn là một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai.

Ninh Thuận có lợi thế về du lịch biển.

“Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, kết nối đầu tư giữa hai tỉnh, tìm kiếm thêm nhà đầu tư. Đây là dịp các nhà đầu tư giữa hai tỉnh tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư hạ tầng, sản xuất kinh doanh… tạo ra sự bứt phá cho ngành công nghiệp của Ninh Thuận.

Đặc biệt Đồng Nai đang có nhiều doanh nghiệp lớn, ngành nghề phù hợp với các hạng mục, dự án tại mà Ninh Thuận đang ưu tiên thu hút đầu tư”, ông Nam nói.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết hiện nay việc kết nối giữa hai tỉnh đã thuận lợi, thời gian di chuyển được rút ngắn chỉ còn 4 giờ đồng hồ.

Ninh Thuận có GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 9,28%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 87,7 triệu đồng/người, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, bằng 81,2% bình quân cả nước.

Năng lực cạnh tranh của tỉnh cải thiện đáng kể, chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 2/14 tỉnh, thành phố Duyên hải miền Trung, nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, việc Ninh Thuận chọn Đồng Nai làm nơi tổ chức hội nghị cho thấy vai trò chiến lược của Đồng Nai trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đồng Nai cách Ninh Thuận 260km nhưng hiện nay tuyến cao tốc Dầu Giây – Cam Lâm đi vào khai thác đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai tỉnh từ 6 tiếng xuống còn 4 tiếng.

Ông Điền Khôn Trường, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai cho biết, hiệp hội hiện có 400 doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư giày gia may mặc, đồ gỗ, khoa học kỹ thuật cao.

Sau khi nắm bắt các thông tin về tiềm năng, lợi thế của tỉnh Ninh Thuận, hiệp hội sẽ chuyển các nội dung đầu tư đến các doanh nghiệp, giới thiệu về danh mục thu hút đầu tư đến các thành viên của hiệp hội. Khi các doanh nghiệp mong muốn đến Ninh Thuận, hiệp hội sẽ chủ động kết nối đến địa phương.

Cao tốc chính là lợi thế kết nối.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty GC Food, một doanh nghiệp đã đầu tư vào Ninh Thuận từ năm 2015 chia sẻ: “Môi trường đầu tư của Ninh Thuận rất thuận lợi, đặc biệt cơ chế chính sách thu hút thông thoáng.

GC Food đã đầu tư vào nhiều dự án lớn, từ sản xuất nha đam đến trồng dưa lưới, nho và các loại cây ăn quả khác, khẳng định tiềm năng phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm”.

Ông Đặng Tất Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Ani Power cho biết Ninh Thuận đang là vùng đất có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Đặng Tất Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Ani Power cho biết, doanh nghiệp cũng đã đầu tư một dự án tại Ninh Thuận. Theo ông Thành năng lượng tái tạo đang bùng nổ, phát triển mạnh trong thu hút đầu tư tại Ninh Thuận. Tỉnh này cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư tại địa phương.

Hàng loạt dự án ưu tiên đầu tư

Ninh Thuận đang ưu tiên đầu tư các dự án thương mại – dịch vụ – du lịch, xây dựng kinh doanh bất động sản, năng lượng – năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp.

Trong đó bao gồm các dự án lớn như: Khu dịch vụ hỗn hợp khách sạn thương mại cao cấp; khu nghỉ dưỡng cao cấp; khu du lịch sinh thái Vĩnh Hy; trung tâm logistics Cà Ná; hàng loạt khu đô thị – khu dân cư… Ngoài ra còn có dự án thủy điện tích năng Phước Hòa; dự án điện khí LNG Cà Ná; điện gió Đầm Nại 4; Tri Hải; thủy điện thượng sông Ông 2…

Minh Tuệ

Nguồn đầu tư: https://baomoi.com/ninh-thuan-muon-thu-hut-doanh-nghiep-dong-nai-ve-dau-tu-ha-tang-nang-luong-c50487801.epi