(Dân trí) – Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sau chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới và báo cáo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn.

Tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương chiều 23/10, liên quan đến vấn đề khởi động lại dự án điện hạt nhân, ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – cho biết việc phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo các yếu tố kinh tế, xã hội, khoa học kĩ thuật, nguồn tài chính…

“Từ năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu triển khai dự án ở Ninh Thuận theo Nghị quyết của Quốc Hội nhưng do nhiều yếu tố đặc biệt là vấn đề nhân lực, tài chính có nhiều khó khăn, do đó Quốc hội đã quyết định tạm dừng nghiên cứu triển khai”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết hiện nay, đất nước và trên thế giới đã có nhiều chuyển biến tích cực. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân trên thế giới. Bộ Công Thương đã báo cáo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về vấn đề này.

“Bộ Công Thương đánh giá việc phát triển điện hạt nhân thời gian tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên việc phát triển như thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn diện để đề xuất trong Quy hoạch 8 để rà soát điều chỉnh…”, lãnh đạo Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết về mặt chủ trương phát triển điện hạt nhân đã có nhưng sau đó đã tạm dừng. “Hiện nay, căn cứ Quy hoạch điện VIII và chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề này, xem xét báo cáo có nên triển khai không. Hiện nay Bộ Công Thương đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế”, ông Tân nói.

Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu về số lò phản ứng hạt nhân đang xây dựng (Ảnh: Getty Images).

Theo Thứ trưởng, dựa trên sức ép liên quan đến năng lượng tái tạo, do đó điện nền rất quan trọng, một số nước phát triển cũng đã sử dụng điện hạt nhân gấp 2-3 lần. Như Nhật Bản, quốc gia này ước tính tỷ trọng điện hạt nhân chiếm 20-25% mặc dù từng xảy ra sự cố.

“Về công nghệ, quan niệm của Bộ Công Thương là sử dụng công nghệ kiểu mới, tiên tiến và đặc biệt là đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo tối đa an toàn. Điện hạt nhân phải đưa mức an toàn lên tối đa, rủi ro về 0”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Để xác định thời điểm khởi động lại dự án điện hạt nhân, Thứ trưởng Tân cho biết Bộ Công Thương đang phối hợp nghiên cứu sau đó báo cáo trình Chính phủ có chủ trương từ đó sẽ tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch điện khi đó mới có cơ sở tiếp tục triển khai.

Ngày 22/11/2016, Quốc hội quyết định dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau nhiều năm chuẩn bị, triển khai một số dự án thành phần. Giải thích việc dừng dự án khi đó, Chính phủ cho biết không phải do vấn đề công nghệ, an toàn mà điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với lúc quyết định đầu tư dự án.

Mặt khác, Việt Nam thời điểm đó cũng tập trung nguồn vốn đầu tư ưu tiên một số dự án trọng điểm quốc gia và một số dự án, chương trình quan trọng như xử lý kịp thời, cấp bách vấn đề biến đổi khí hậu.

Sau gần 8 năm, trước bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống dần cạn kiệt, để bảo đảm sự ổn định của hệ thống điện quốc gia, Thường trực Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới.

“Từ đó đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới, bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định”, thông báo kết luận về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, gió ngoài khơi của Thường trực Chính phủ ngày 12/9 nêu rõ.